Điểm Đến

Quảng Ngãi

Quảng Ngãi

Nhắc đến du lịch Quảng Ngãi, chắc hẳn nhiều khách du lịch chỉ nghĩ ngay đến hòn đảo Lý Sơn với nhiều phong cảnh hấp dẫn. Hay là món tỏi Lý Sơn cực kỳ nổi tiếng có thể trị được nhiều căn bệnh. Mà nói đến Quảng Ngãi, bạn còn có thể tìm thấy rất nhiều địa điểm tham quan cũng như những món ăn đặc sản hấp dẫn khác nữa. Nếu bạn chưa biết những địa điểm hấp dẫn cũng như món ngon khác của Quảng Ngãi. Hãy  cùng Luxury Travel khám phá du lịch Quảng Ngãi trong bài viết này nhé!

Kinh Nghiệm Du Lịch

Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá lâu đời như văn hoá Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa. Nhiều dấu vết văn hoá cổ xưa như thành cổ Châu Sa, Gò Vàng… di tích lịch sử Ba Tơ, Sơn Mỹ, Ba Gia, Trà Bồng, Vạn Tường; nhiều cảnh đẹp như Thiên Ấn Niêm Hà, Thiên Bút Phê Vân, Thạch Bích Tà Dương, Cổ Luỹ Cô Thôn, Nước Trong – Cà Đam…; nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Sa Huỳnh…

Ngoài ra du lịch Quảng Ngãi còn nổi bật với đảo Lý Sơn. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 đảo Cù Lao Ré (đảo Lớn), xã đảo An Bình (đảo Bé) và hòn Mù Cu, nằm cách đất liền khoảng 30 km. Với lợi thế khung cảnh hoang sơ, chi phí rẻ, trong những năm gần đây, Lý Sơn luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho chuyến du lịch biển đảo.

Thời gian thích hợp đi du lịch Quảng Ngãi

Quảng Ngãi có khí hậu nhiệt đới và gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 25-26,9°C, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Khí hậu ở đây có nhiều gió Đông Nam, ít gió Đông Bắc vì địa hình địa thế phía nam, và do thế núi địa phương tạo ra. Lượng mưa của tỉnh là 2.198 mm/năm nhưng chỉ tập trung nhiều nhất vào các tháng 9, 10, 11, 12 còn các tháng khác thì khô hạn.

Do đó, thời điểm thích hợp để du lịch Quảng Ngãi là vào mùa khô, khi thời tiết nắng đẹp và không có mưa bão. Đặc biệt, các tháng 9, 10 ở Quảng Ngãi thường xảy ra ngập lụt do mưa lớn kéo dài. Vào mùa lụt, nước thường ngập đến nửa nhà. Và ở các sông có xảy ra hiện tượng sạt lở, lũ quét rất nguy hiểm đến sự an toàn của du khách.

Hướng dẫn di chuyển đến Quảng Ngãi

Tàu hỏa

Phương tiện di chuyển an toàn và tiện lợi mà bạn có thể sử để đến với Quảng Ngãi trong hành trình du lịch sắp tới. Đó là tàu hỏa. Bởi vì ga tàu hỏa có vị trí gần trung tâm với khoảng cách 3km nên bạn chỉ cần 8 phút là sẽ tới được thành phố Quảng Ngãi. Ngoài việc di chuyển dễ dàng và thuận tiện thì khi đi du lịch bằng tàu hỏa bạn còn có thể thoải mái “sống ảo” trên khoang tàu. Hãy chuẩn bị những bộ đồ phù hợp với background vintage của tàu để có những shoot hình lung linh nhé! Một lưu ý nhỏ mà Phượt muốn nhắc bạn. Đó là hãy chú ý đừng gây ảnh hưởng đến những hành khách khác trên tàu. Cũng như cẩn thận với hành lý và tư trang cá nhân của bạn.

  • Giá vé tàu và thời gian di chuyển:

+ Tuyến Hà Nội – Quảng Ngãi: 450k – 700k với thời gian di chuyển là 19 tiếng.
+ Tuyến Hồ Chí Minh – Quảng Ngãi: 350k – 650k và di chuyển trong khoảng 14 tiếng.
+ Tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi: 130k – 210k và di chuyển trong khoảng 3 tiếng.

  • Địa điểm mua vé:

+ Mua trực tiếp tại: Nhà ga Hà Nội/ Hồ Chí Minh/ Đà Nẵng/ Quảng Ngãi.
+ Mua online: Vetau24h, vetautructuyen…

Xe khách giường nằm

Nếu bạn không bị say xe thì bạn có thể lựa chọn xe khách giường nằm để đến với Quảng Ngãi. Giá vé xe khách giường nằm sẽ rẻ hơn một chút so với tàu hỏa. Ngoài ra, khi đi xe khách thì bạn sẽ có thể chọn lựa với nhiều hãng xe cùng các khung giờ di chuyển khác nhau. Nhưng khi di chuyển bằng xe khách thì không gian sẽ hơi chật và đặc biệt nếu bạn nào bị say xe thì sẽ rất mệt. Từ đó, bạn sẽ không có đủ tinh thần và sức khỏe để tiếp tục hành trình tham quan du lịch Quảng Ngãi.

Noted: Dựa theo kinh nghiệm du lịch Quãng Ngãi của Phượt. Nếu bạn đi du lịch vào mùa cao điểm thì bạn nên đặt vé trước khoảng 3 – 4 ngày để tránh trường hợp “cháy vé” nhé!

Xe máy

Phương tiện di chuyển cá nhân mà bạn có thể sử dụng trong hành trình du lịch đến Quảng Ngãi tự túc đó là xe máy. Với xe máy, bạn có thể chủ động thời gian di chuyển cũng như nghỉ ngơi theo ý muốn của bản thân. Một số lưu ý mà Phượt muốn nhắc bạn trước khi đi xe máy phượt đến Quảng Ngãi đó là:

  • Chuẩn bị tinh thần cũng như thể lực tốt cho hành trình phượt xe máy hàng trăm cây số.
  • Kiểm tra kỹ càng máy móc, thắng, xăng xe để đảm bảo an toàn khi di chuyển.
  • Nên đi theo nhóm đông người để hỗ trợ nhau trong suốt hành trình.
  • Mặc trang phục và sử dụng kem chống nắng để hạn chế tia cực tím, UV tới mức thấp nhất.
  • Đội mũ bảo hiểm đúng quy định.
  • Đem theo nước, đồ ăn bổ sung năng lượng nhanh như: Bánh, kẹo, socola…

Noted: Dựa theo kinh nghiệm du lịch của Phượt, nếu bạn ở các tỉnh thành gần Quảng Ngãi như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An. Thì bạn nên phượt xe máy đến đây cho thuận tiện và nhanh chóng. Hơn nữa là bạn còn tiết kiệm thêm được một khoản chi phí thuê xe máy để đi lại tại Quảng Ngãi nữa đấy!

Phương tiện đi lại ở Quảng Ngãi

Xe taxi

Giống như những tỉnh thành khác, ở Quảng Ngãi cũng có một hệ thống các hãng taxi hoạt động để bạn có thể sử dụng. Bởi vì sự phổ biến của phương tiện này nên bạn có thể “gọi” taxi để di chuyển đến các địa điểm tham quan trong chuyến du lịch Quảng Ngãi. Hình thức trung chuyển taxi sẽ phù hợp nếu bạn đi du lịch cùng gia đình có người lớn và trẻ em. Đó là bởi vì taxi sẽ giúp bạn có một không gian thoải mái cũng như nhanh chóng đến địa điểm tham quan. Ngoài ra, bạn cũng không cần phải lo lắng về vấn đề khói bụi hay bị lạc đường, tắc nghẽn giao thông…

Noted: Một số hãng taxi uy tín ở Quảng Ngãi mà bạn có thể tham khảo đó là:

  • Taxi Mai Linh: 0255.3.83.83.83.
  • Taxi Quảng Ngãi: 0255.3.720.720.
  • Sun Taxi: 0255.35.35.35.35.
  • Taxi Mạnh Thủy: 0255.3.630.630.
  • Taxi Tiên Sa: 0255.3.79.79.79.
Thuê xe máy

Nếu bạn thích vi vu trên những cung đường đầy nắng và gió tại vùng đất Quảng Ngãi thì bạn có thể thuê xe máy để đi lại khi đến đây. Dựa theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ngãi của Phượt. Thì hình thức thuê xe máy thuận tiện nhất đó là mướn tại nơi bạn lưu trú. Còn nếu khách sạn không có thì bạn cũng tìm đến các cơ sở kinh doanh cho thuê xe máy. Một số cửa hàng cho thuê xe máy uy tín ở Quảng Ngãi mà bạn có thể tham khảo. Đó là:

  • Lê Trần Tư Nghĩa: 0968 126 859.
  • Phong Hiền: 091 869 92 38.
  • Lê Nở: 0917071216.
  • Thịnh Phát: 0918 100 068.
Xe bus

Phương tiện di chuyển công cộng phổ biến ở Quảng Ngãi mà bạn có thể sử dụng trong chuyến du lịch sắp tới đó là xe bus. Bạn nên tải sẵn ứng dụng Bus Map để thuận tiện cho việc tìm kiếm điểm dừng xe bus. Ngoài ra, hãy lưu ý thời gian xe bus để không bị nhỡ chuyến hay chờ đợi quá lâu nhé!

Một số tuyến xe bus đang hoạt động tại Quảng Ngãi mà bạn có thể tham khảo đó là:

  • Tuyến số 01: TP. Quảng Ngãi – Dung Quất.
  • Tuyến số 02: TP. Quảng Ngãi – Sa Huỳnh.
  • Tuyến số 03: TP. Quảng Ngãi – Cảng Sa Kỳ.
  • Tuyến số 04: TP. Quảng Ngãi – Ba Tơ – Ba Vì.
  • Tuyến số 05: TP. Quảng Ngãi – Khu đô thị mới Vạn Tường.
  • Tuyến số 06: TP. Quảng Ngãi – Minh Long.
  • Tuyến số 07: TP. Quảng Ngãi – Cổ Luỹ
  • Tuyến số 08: TP. Quảng Ngãi – Thạch Nham.
  • Tuyến số 09: TP. Quảng Ngãi – Trà Bồng.
  • Tuyến số 10: TP. Quảng Ngãi – Sơn Hà.

Thời gian hoạt động: 5h30 đến 19h00.
Giá vé: 7.000 vnđ/ lượt.

Những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Quảng Ngãi

Nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm du lịch Quảng Ngãi trước đây thì những địa điểm du lịch dưới đây sẽ là những gợi ý đáng cân nhắc!

Thành phố Quảng Ngãi

Thành cổ Châu Sa

Địa điểm đầu tiên trong hành trình du lịch đến với Quảng Ngãi mà Phượt muốn giới thiệu với bạn. Đó là thành cổ Châu Sa. Thành cổ Châu Sa hay còn được biết đến với tên gọi khác là thành Hời. Nơi đây được xây dựng trên địa phận khu vực hạ lưu và tả ngạn sông Trà Khúc.

Đến với thành cổ Châu Sa, bạn sẽ được tham quan 2 khu vực hoàn toàn được đắp bằng đất. Đó là:

  • Thành nội: Có chiều dài 580m và rộng 540m với 5 cổng thành theo các hướng Đông, Bắc, Tây, Nam và Tây Nam.
  • Thành ngoại: Chỉ đắp ba cạnh ở các phía Bắc, Tây và Đông. Trong đó, cạnh Tây và Đông được xây dựng vô vùng kiên cố. Còn cạnh Bắc chủ yếu dựa vào núi non.

Nếu có dịp đi du lịch Quảng Ngãi, bạn đừng quên ghé thăm một công trình kiến trúc độc đáo của người Chăm để lại nơi đây nhé!

Biển Mỹ Khê

Du lịch Quảng Ngãi có gì hấp dẫn khách du lịch không? Đáp án chính là thiên đường biển xinh đẹp mang tên Mỹ Khê. Biển Mỹ Khê tọa lạc tại địa phận thôn Cổ Lũy xã Tịnh Khê và cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 10km.

Đến với Mỹ Khê, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của bãi biển trải dài với bờ cát trắng mịn. Mà Mỹ Khê chắc chắn sẽ còn làm cho bạn sảng khoái khi ngâm mình dưới làn nước mát lạnh và trong veo. Đặc biệt hơn, bạn còn có thể tham gia các hoạt động hấp dẫn khác bên bờ biển như: Chơi bóng chuyền, dù lượn, cắm trại… Và đừng quên thưởng thức những món đặc sản biển hấp dẫn ở đây như: Tôm, don, hàu, cua…nhé!

Bảo tàng Quảng Ngãi

Nếu bạn là người yêu thích việc tìm hiểu cũng như nghiên cứu về những cổ vật lịch sử. Thì trong hành trình du lịch sắp tới, bạn nên ghé thăm bảo tàng Quảng Ngãi có vị trí tọa lạc tại số 99 đường Lê Trung Đình.

Với hành trình tham quan bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy hàng chục nghìn hiện vật, tài liệu cũng như hình ảnh lịch sử – văn hóa quốc gia. Trong số những hiện vật ở đây thì có đến hàng trăm kỷ vật là do các cán bộ, chiến sĩ và người dân hiến tặng. Đặc biệt nhất trong số những kỷ vật đó chính là chiếc khăn tay được may bằng vải thô. Chiếc khăn tay này có thêu một dòng chữ in hoa thể hiện tình cảm của người dân với các chiến sĩ. Câu thơ trên chiếc khăn là: “Cán bộ nhân dân huyện Phúc Thọ tặng chiến sĩ Đường 9 Anh hùng”. Chính nhờ những chuyến tham quan như vậy mà bạn sẽ có thể hiểu hơn về lịch sử hào hùng cũng như tinh thần đoàn kết của dân tộc ta.

Đảo Lý Sơn – địa điểm du lịch lý tưởng ở Quảng Ngãi

Nhắc đến du lịch Quảng Ngãi thì hầu hết du khách sẽ nghĩ ngay đến đảo Lý Sơn xinh đẹp. Đảo Lý Sơn có vị trí nằm cách bờ khoảng 30km với tổng diện tích khoảng 10km2. Đến với hành trình khám phá đảo Lý Sơn, bạn sẽ được tham quan 3 hòn đảo:

  • Đảo Lớn: Hay còn được gọi là Cù Lao Ré và có vị trí nằm ở trung tâm đảo Lý Sơn.
  • Đảo Bé: Còn có tên gọi khác là An Bình.
  • Hòn Mù Cu: Là hòn đảo nhỏ nhất và hiện chưa có cư dân nào sinh sống ở đây.

Ngoài ra, khi đến với huyện đảo Lý Sơn, bạn còn có thể đến check in tại một số địa điểm nổi tiếng ở đây như: Cổng Tò Vò, chùa Hang, đỉnh Thới Lới, cánh đồng tỏi… Được mệnh danh là biểu tượng du lịch của Quảng Ngãi nên đảo Lý Sơn chắc chắn sẽ làm bạn “say mê quên lối về” đấy!
Noted: Dựa theo kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn trong hành trình khám phá Quảng Ngãi của Phượt. Bạn nên đến đây vào hai hai khoảng thời gian, đó là:

  • Từ tháng 6 đến tháng 9: Thời tiết huyện đảo Lý Sơn lúc này có nắng và mát mẻ. Với điều kiện thời tiết như vậy sẽ rất phù hợp cho việc khám phá biển đảo.
  • Mùa tỏi Lý Sơn: Được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12.
Chùa Thiên Ấn

 

Sơn Tịnh

Chuyến du lịch Quảng Ngãi của bạn sẽ không thể trọn vẹn được nếu bạn bỏ qua huyện lỵ Sơn Tịnh với rất nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn. Một trong những điểm đến thú vị nhất nơi đây mà bạn nên ghé thăm đó là:

  • Thiên Ấn Niêm Hà: Có độ cao khoảng 100m so với mực nước biển. Núi Thiên Ấn có vị trí nằm cách thành phố Quảng Ngãi 3.5 km về hướng Bắc.
  • Chùa Thiên Ấn: Tọa lạc trên ngọn núi Thiên Ấn thuộc địa phận xã Tịnh Ấn huyện Sơn Tịnh. Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ XVII.
  • Hà Nhai Vãn Độ: Bến Hà Nhai tọa lạc trên dòng sông Trà Khúc và nằm ở phía Tây cầu đường sắt Trư­ờng Xuân ngày nay.
  • Thạch Ky Điếu Tẩu: Ghềnh đá này thuộc địa phần hành chính thôn An Vinh xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi: “Lão câu ghềnh đá” hay “Bàn chân khổng lồ”.
  • Long Đầu Hí Thủy: Là ngọn đồi tọa lạc ngay bên bờ tả sông Trà Khúc, giữa thị trấn Sơn Tịnh.

Di tích Ba Tơ

Một trong những công trình gắn liền với lịch sử vẻ vang của Quảng Ngãi mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình du lịch khám phá vùng đất này đó là di tích Ba Tơ. Ba Tơ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25/7/2017. Cụ thể theo hồ sơ, nơi đây có tổng 11 điểm di tích được công nhận đó là:

  • Khúc sông Liêng (thị trấn Ba Tơ);
  • Lò gạch Nước Năng (thị trấn Ba Tơ);
  • Nhà đồng chí Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ);
  • Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động);
  • Đồn Ba Tơ;
  • Nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ;
  • Sân vận động Ba Tơ (thị trấn Ba Tơ);
  • Bãi Hang Én (xã Ba Vinh);
  • Bến Buôn (xã Ba Thành);
  • Chiến khu Nước Lá – Hang Voọt Rệp (xã Ba Vinh);
  • Chiến khu Núi Cao Muôn (xã Ba Vinh).

Với nhiều điểm di tích như vậy, theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ngãi của Phượt. Phượt khuyên bạn nên dành thời gian nửa ngày để tham quan hết quần thể khu di tích Ba Tơ này.

Điện Trường Bà

Địa điểm tham quan tiếp theo mà Phượt muốn giới thiệu với bạn trong hành trình du lịch Quảng Ngãi đó là điện Trường Bà. Điện Trường Bà thuộc địa phận hành chính thị trấn Trà Xuân huyện Trà Bồng. Bao quanh điện Trường Bà là những cánh đồng cùng với rừng quế bát ngát tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi mát. Đặc biệt hơn, dòng sông Trà Bồng uốn lượn cũng chính là nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên thanh bình nơi đây.

Xuyên suốt hành trình tham quan điện Trường Bà, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những di tích văn hóa thể hiện sự giao thoa tín ngưỡng của dân tộc Kinh, Kor và Champa. Ngoài ra, hàng năm vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, dân địa phương còn tổ chức lễ hội điện Trường Bà cực kỳ hoành tráng. Nếu sắp xếp được lịch trình thì bạn nên hành hương đến điện Trường Bà và cùng tham gia lễ hội với người dân Quảng Ngãi nhé!

Nghĩa Hành

Nếu có dịp đi du lịch Quảng Ngãi thì bạn đừng quên ghé thăm 3 địa điểm tham quan nổi tiếng tại huyện Nghĩa Hành nhé! Ba địa điểm mà Phượt muốn nhắc đến đó là:

  • Trường lũy Quảng Ngãi: Là công trình di tích lịch sử quốc gia được xây dựng bằng mồ hôi, công sức và sự hợp tác giữa hai cộng đồng Hrê và người Việt.
  • Suối Chí: Có tổng diện tích lên đến 15ha. Suối Chí tọa lạc tại địa phận hành chính thôn Khánh Giang và Trường Lệ.
  • Làng Việt cổ núi Dâu: Được xem là ngôi làng cổ nhất Quảng Ngãi với tuổi đời lên đến 600 năm.

 Thác Trắng Minh Long

Nếu bạn muốn hòa mình trong một không gian du dương giữa thiên nhiên xanh thảm rộng lớn thì bạn nên tìm đến thác Trắng Minh Long. Thác Trắng Minh Long thuộc địa phận xã Thanh An và có vị trí cách TP Quảng Ngãi khoảng 23km.

Khi đặt chân đến trước thác Trắng Minh Long, bạn sẽ ngỡ như mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bởi vì nước từ trên thác với độ cao 40m đang đổ xuống đã tạo thành một “bức màn” trắng tinh khiết cực kỳ ảo diệu. Ngoài ra, tiếng nước chảy xuống không ngừng nghỉ cứ như một bản hòa tấu không có điểm kết thúc cũng là một điểm hấp dẫn khiến cho du khách thích thú. Bạn chỉ cần lắng nghe và cảm nhận tiếng nước chảy thì chắc chắn bạn sẽ thấy tâm hồn như “rộng mở” và thư thả hơn bao giờ hết. Hơn nữa, đến với thác Trắng Minh Long, bạn còn có thể cắm trại, câu cá cũng như bơi lội thỏa thích. Chính vì những trải nghiệm hấp dẫn và vẻ xinh đẹp choáng ngợp của nơi đây. Nên bạn đừng quên ghé đến thác Trắng Minh Long trong hành trình du lịch Quảng Ngãi sắp tới nhé!

Núi Long Phụng – Chùa Ông Rau

Núi Long Phục và Chùa Ông Rau đều thuộc địa phận xã Đức Thắng huyện Mộ Đức. Trong đó, Núi Long Phụng có độ cao 68m với chiều dài gần 2.000m chạy dọc bờ biển theo hướng Nam – Bắc. Khi bạn nhìn tổng quát Long Phụng, bạn sẽ thấy ngọn núi mang dáng dấp của một con Rồng khổng lồ với phần đầu hướng về phía Tây.

Còn chùa Ông Rau thì nằm ngay trên ngọn núi Long Phụng với lối kiến trúc đơn sơ nhưng vô cùng kỳ bí. Nơi đây gắn liền với một câu chuyện về một nhà sự không rõ danh tính. Dân làng kể lại rằng: Từ xa xưa, có một nhà sư suốt ngày ngồi thiền ở hang đá và chỉ ăn mỗi rau xanh. Cũng chính từ câu chuyện này mà nơi đây mới có tên gọi là chùa Ông Rau.
Noted: Theo kinh nghiệm du lịch Quảng Ngãi của Phượt. Bạn nên kết hợp khám phá 2 địa điểm này cùng lúc cho thuận tiện nhé!

Bình Sơn

Điểm đến tiếp theo mà bạn nên đến tham quan trong hành trình du lịch khám phá Quảng Ngãi đó là huyện Bình Sơn. Một số địa điểm hấp dẫn ở huyện Bình Sơn mà Phượt muốn giới thiệu với bạn đó là:

  • Làng bích họa Bình An: Hãy tìm đến làng bích họa Bình An để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật tranh đường phố 3D vô cùng sinh động nơi đây nhé! Đừng quên mang theo máy ảnh để check in tại làng bích họa Bình An này.
  • Khu du lịch Thiên Đàng: Có đầy đủ các hình thức du lịch nghỉ dưỡng trên một khuôn viên rộng 32ha tại xã Bình Thạnh.
  • Bãi tắm Khe Hai: Có vị trí cách khu du lịch Thiên Đàng khoảng 100m.
  • Ba Làng An: Ghé thăm Ba Làng An hay còn được gọi là Ba Tân Gân thuộc địa phận xã Bình Châu.
  • Ai Hải Sa Bàn: Tọa lạc ngay giữa Sa Kỳ và Ba Làng An với địa hình chủ yếu là cát thạch anh.

Hồ Thạch Nham – địa điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Quảng Ngãi

Công trình thủy lợi hồ Thạch Nham không chỉ có ý nghĩa về mặt phát triển nông nghiệp của Quảng Ngãi. Mà nơi đây còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách của vùng đất này. Hồ Thạch Nham được xây dựng trên địa phận ba huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Sơn Hà. Điểm ấn tượng có thể thu hút ánh nhìn của bạn ngay khi đến đây đó chính là đường đập bê tông dài 200m với độ cao gần 20m nằm giữa hai ngọn núi Thạch Bích và Bẻ Lá. Đặc biệt, xung quanh hồ nước Thạch Nham còn có những cây gỗ cổ thụ lâu năm rợp bóng khắp lối như: Xà cừ, sao đen, bạch đàn… Chắc chắn khung cảnh non xanh nước biếc của hồ Thạch Nham sẽ giúp cho tâm tình bạn dịu đi và thoải mái hơn đấy! Hãy đến check in với công trình thủy lợi độc đáo này nhé!

Tư Nghĩa – huyện lị của thành phố du lịch Quảng Ngãi

Huyện Tư Nghĩa là địa điểm cuối cùng mà Phượt muốn giới thiệu với bạn trong hành trình du lịch khám phá Quảng Ngãi. Nơi đây có 5 địa điểm tham quan hấp dẫn mà bạn nên ghé thăm đó là:

  • Suối nước nóng Nghĩa Thuận: Có quy mô lên tới 15ha, gồm các hạng mục như: Công viên nước khoáng nóng, tắm bùn, nghỉ dưỡng…
  • Phố cổ Thu Xà: Trước đây phố cổ Thu Xà vốn giữ vị trí là thương cảng lưu thông hàng hóa với các nước láng giềng. Mãi cho đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ cũng như đường sắt phát triển thì nơi đây mất dần vai trò của nó.
  • Chùa Ông Thu Xà: Được xây dựng vào triều đại Vua Minh Mạng thứ hai tức năm 1821. Tính đến thời điểm hiện tại, chùa Ông Thu Xà đã trải qua 4 lần trùng tu nên vẫn giữ được vẻ khang trang.
  • La Hà Thạch Trận: Là một quần thể gồm 4 ngọn núi nằm trên địa bàn thị trấn La Hà, đó là: Núi Cao Cổ, núi Đá Chẻ, núi Voi và núi Hùm.
  • Cổ Lũy cô thôn: Mảnh đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử gắn liền với văn hóa của dân tộc Champa.

Một số địa điểm du lịch hấp dẫn khác ở Quảng Ngãi

  • Khu chứng tích Sơn Mỹ.
  • Thiên Bút Phê Vân.
  • Thạch Bích Tà Dương.
  • Thác Lũng Ồ.
  • Bãi biển Minh Tân.
  • Bãi biển Châu Me.
  • Bãi biển Sa Huỳnh.
  • Suối nước nóng Đức Lân.
  • Điện Trường Bà.
  • Thác Cà Đú.

Đặc sản Quảng Ngãi

Don

Món don của người Quảng Ngãi chỉ đơn giản là tô nước có những con don bé xíu và một ít hành tây, hành lá ăn kèm với bánh tráng sống, bánh tráng nướng chín bẻ nhỏ. Không chỉ để mời khách phương xa mà người Quảng tha hương trở về đều tìm đến quán ăn bát don quê. Vị cay của của ớt bay, vị ngọt dịu của bát don có màu đùng đục… từ lâu món don ăn dân dã trở thành đặc sản của tỉnh này…

Ram thịt nướng

Ram hay còn gọi chả giò, nhưng Ram thịt nướng của Quảng Ngãi thì đặc biệt hơn nhiều. Bánh tráng dùng để cuốn phải là bánh rất mỏng, nếu bánh được tráng bằng tay thì sẽ ngon hơn bánh được sản xuất bằng máy, khi ăn cảm giác bánh giòn tan và thơm hơn. Nhân bên trong thì có thịt, tôm và hành cắt nhỏ, tẩm ướp gia vị cho vừa ăn, cuốn bánh xong thì được nẹp vào thẻ tre nướng trên bếp than hồng. Một cuốn ram có ngon hay không, phần lớn phụ thuộc vào mùi vị của tôm, tôm tươi phải còn nguyên con, được tẩm ướp gia vị vừa ăn, xào sơ qua trước khi gói ram để nướng. Phần thịt bò cuốn lá phải chọn những lá lốt non, thịt bò được ướp khoảng 1 tiếng đồng hồ cùng với sả, tỏi, tiêu…Món ăn đúng vị không thể thiếu chén nước chấm với hương vị rất đặc trưng.

Nhiều du khách khi đến Quảng Ngãi đều tìm đến quán ram thịt nướng 72 Nguyễn Nghiêm, Tp Quảng Ngãi để thưởng thức các món ăn được chế biến theo công thức gia truyền, với hương vị đậm đà khó quên. Đây là quán ăn nổi tiếng đã mở được trên 50 năm.

Mì Quảng Sông Vệ

Mì Quảng sông Vệ hương vị không giống như mì Quảng ở Quảng Nam mà có hương vị đặc trưng riêng của miền quê Quảng Ngãi. Mì Quảng sông Vệ có nhiều biến thể khác nhau, nào là mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò… nhưng đậm đà hơn cả là mì tôm kết hợp với thịt. Tô mì với đủ sắc màu, sợi mì vàng hoặc trắng đục tùy sở thích của khách, kèm theo vài miếng thịt nướng, vài con tôm, rắc tí đậu phụng, lá thơm ăn kèm với rau sống, bánh tráng. Khi trộn đều nước gia vị từ dưới đáy tô lên rồi thưởng thức, vị ngọt của nước thịt, vị cay của tiêu, ớt, độ béo của đậu phụng, giòn tan của bánh tráng… tất cả quyện vào nhau, tạo nên hương vị thật đậm đà khó quên.

Bánh xèo Tịnh Khê

Tịnh Khê không chỉ nổi tiếng với bãi biển thơ mộng, mà còn có cả những hàng quán bánh xèo thơm lừng, nóng hổi với hương vị đặc trưng khó cưỡng. Bánh xèo nơi đây có hương vị đặc trưng, bánh mỏng, có tôm, mực băm nhuyễn, nên có vị ngon, ngọt. Nếu muốn thưởng thức, các bạn chỉ cần chạy dọc tuyến đường Mỹ Khê – Trà Khúc, đến chợ Tịnh Khê sẽ thấy rất nhiều dãy quán đúc bánh xèo.

Cá tào lao

Cá tào lao hay còn gọi là cá chìa vôi, cá phóng lao sinh sống tập trung ở vùng biển các tỉnh miền Trung. Chúng trú ngụ ở những rạn san hô và săn mồi bằng chiếc mỏ như mỏ vịt, nhưng rất dài đặc trưng của mình nên có biệt danh là “cá tào lao”.

Cá tào lao là loại cá có giá trị kinh tế cao vì giá trị dinh dưỡng của nó lớn, thịt cá giàu canxi, chất béo, chất đạm, vitamin, kali… Cá nung núc thịt, thịt ngọt, béo, dai, thơm lừng, có thể chế biến thành những món như nướng muối ớt, nướng sa tế, nấu lẫu, chiên giòn, làm gỏi…, trong đó món nướng được nhiều người ưa chuộng vì vừa ngon lại dễ chế biến.

Nếu có dịp đến các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà địa bàn cư trú của dân tộc H’re, du khách sẽ được thưởng thức cá niêng nướng chấm muối ớt. Đây là một món ăn địa phương dân dã nhưng hấp dẫn nhiều du khách.

Cá niêng sống ở những dòng thác, ăn rong rêu và phù du nên khá sạch và thịt rất thơm. Cá niêng ngon nhất là khi to bằng ba ngón tay. Cá bắt được dùng xiên tre đem lụi nướng trên vỉa than hồng. Khi vừa chín tới đem chấm muối sống giã với ớt hiểm để ăn thì thịt cá rất béo, ruột vừa đăng đắng vừa bùi. Nếu không muốn nướng, thì đem luộc rồi chấm với muối ớt. Dùng món cá niêng nếu có thêm rau húng, rau thơm ăn kèm sẽ hấp dẫn hơn.

Cá thài bai sông Trà

Cá thài bai là loại cá rất đặc biệt, hình thù giống cá bống con, thân nhỏ như chiếc que tăm trắng toát. Không chỉ vì nó rất nhỏ, mà dòng đời, nơi sinh sống… cũng rất lạ. Cá thài bai ngon nhất là vào khoảng cuối đông đầu xuân. Khoảng thời gian này là thời điểm cá sinh trưởng và phát triển.

Chả cá Định Tân

Thôn Định Tân xã Bình Châu, Bình Sơn nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi bởi món đặc sản nổi tiếng này. Nghề làm chả cá “đỏ lửa” quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 3 đến tháng 6, vì đây là lúc thu hoạch cá đỏ, nguyên liệu chính của món chả cá.

Để có độ dai, giòn, chả cá Định Tân phải trải qua nhiều công đoạn. Nhưng công đoạn đầu tiên mang tính bắt buộc là phải róc xương, lấy thịt cá bằng phương pháp thủ công, đó là dùng muỗng để nạo thịt. Sau khi ướp các loại gia vị để tăng độ thơm ngon, chả cá bắt đầu được “tạo hình”, từ đây tùy theo nhu cầu của khách mà chả cá được giữ nguyên dạng tươi sống hoặc chế biến sơ trước khi giao hàng.

Mít hông

Người Quảng Ngãi có nhiều món ăn rất độc đáo. Một trong những món đó là món mít hông nổi tiếng mà khi về xứ Quảng, nhiều du khách đã tìm bằng được để thử một lần thưởng thức.

Mít hông là món ăn dân dã, nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân miền núi xứ Quảng. Món ăn này độc đáo trước hết ở cách chế biến. Đầu tiên, người ta chọn những quả mít vừa chín tới. Mít chín quá khi hông sẽ bị nhão. Mít được chọn thường là loại mít múi to. Sau khi từng múi mít được bóc ra, người ta rạch một đường nhỏ vừa đủ để lấy hạt mít. Đây là nguyên liệu không thể thiếu khi làm mít hông.

Điều thú vị nhất của mít hông nằm ở phần nhân. Nhân mít hông được làm từ chính hạt mít. Hạt mít khi được lấy ra người ta đem luộc, sau đó bóc vỏ và giã nhỏ. Hạt mít giã xong sẽ được nêm gia vị với bột ngọt, hạt tiêu và một ít muối rồi đem xào. Đặc biệt, trước khi xào, dầu phải được khử với củ nén hoặc củ hành thì mới thơm và “đúng bài”. Dầu ăn nếu là dầu đậu phụng (cách gọi dầu lạc của người Quảng Ngãi) ép thủ công thì sẽ càng ngon hơn.

Làm nhân mít hông cũng khá đơn giản. Hạt mít sau khi xào chín được cho vào bên trong các múi mít đã bóc hạt trước đó. Sau đó, mít được đem hông (hấp cách thủy) trong khoảng 15 phút. Không nên hông quá lâu vì sẽ làm mít bị nhão.

Mít hông thường được ăn kèm với dừa nạo và đậu phụng rang. Món ăn này có nguyên liệu và cách chế biến khá đơn giản, nhưng lại thơm ngon rất hấp dẫn. Ăn mít hông phải ăn lúc mít vừa được hông xong mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon quyện với vị ngọt dịu của múi mít cùng vị béo, bùi của nhân bên trong.

Dưa hấu Hắc Mỹ Nhân

Tuy là cây trồng truyền thống nhưng diện tích dưa trên đảo không nhiều như hành, tỏi và bắp. Trước đây cây dưa hấu trồng ra chỉ cung cấp cho người dân trên đảo, còn bây giờ dưa hấu Lý Sơn đã được nhiều người biết đến như một đặc sản của vùng đất này.

Nếu như dưa hấu trong đất liền được trồng rất công phu thì dưa ở Lý Sơn không cần lên luống, không cần phủ bạt, không phân bón, dưa được trồng phủ khắp mặt ruộng theo cách tự nhiên. Khi cây dưa ra quả, họ không phải chọn lựa những trái lớn như trong đất liền. Dưa chín đến đâu hái bán đến đó. Mỗi ngày họ chỉ bán vài ba tạ cho thương lái. Dưa hấu Lý Sơn không to, quả lớn nhất cũng chỉ 3- 4kg. Tuy nhiên, hương vị của nó thì rất đặc biệt, ngọt, thanh và có mùi thơm rất riêng. Chính vì thế mà dưa hấu Lý Sơn trở thành một sản phẩm độc đáo, vừa ngon lại vừa lành.

Xu xoa Lý Sơn

Khi đến với Lý Sơn trong những tháng hè nóng bức đều tò mò tìm hiểu và nhiệt tình thưởng thức những chén xu xoa được người dân Lý Sơn bày bán khắp đất đảo, thế nhưng mấy ai biết được rằng để có được chén xu xoa thanh ngọt, là món quà vặt dân dã giúp giải nhiệt trong mùa hè oi nồng phải qua nhiều công đoạn trong quá trình chế biến khá công phu.

Chén xu xoa thanh ngọt được người dân Lý Sơn chế biến từ loại rau có tên là rau đông. Khi mùa mưa đến rau đông mọc trên các gành đá vòng quanh huyện đảo và được người dân thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Sau khi vớt lên từ biển, rau đông sẽ được người thu mua phơi trên các bờ thành quanh đảo. Sau con nắng đầu tiên, rau đông sẽ được rải ra đầm cho rụng bớt đá bám trên rễ cây.

Rau đông khô ngâm qua một đêm, rửa lại cho sạch tạp chất và nấu cùng nước ngọt, sạch. Sau khi rau tan hoàn toàn trong nước bắt đầu đổ ra chén hoặc các khuôn làm bánh theo sở thích của người nấu và được gọi là xu xoa. Xu xoa chỉ ngon khi ăn kèm với nước đường được sên từ đường vàng hoặc đường muỗng và một ít gừng tươi đập nát sau khi đã được nướng vàng trên lửa.

Gỏi cá cơm

Cái con cá nghèo hèn đã làm nên món nước mắm Nam Ô trứ danh tại Đà Nẵng, vào đến Quảng Ngãi lên được bàn tiệc, mà lại là gỏi cá sống mới tài. Để làm món ngon trứ danh này, người Quảng Ngãi lấy cá cơm tươi bỏ đầu, bỏ ruột, chẻ cá làm đôi theo chiều từ đầu xuống đuôi để loại bỏ xương, rồi rửa sạch, để cho thật ráo nước.

Chanh trái vắt nước (nếu không có chanh thì dùng giấm, nhưng chanh thì ngon hơn), cho cá vào ngâm khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Khi nào thấy cá chuyển sang màu trắng trong, dậy mùi thơm là cá đã chín, sau đó vắt cá thật khô, nước vắt giữ lại để làm món tương chấm.

Dùng gạo rang, giã nhuyễn trộn đều vào cá, mục đích giữ cho cá được khô và thơm lâu. Tiếp đó cho hành tây cắt mỏng (đã ngâm muối), gia vị vừa ăn, thêm chút dầu phộng đã phi hành, tỏi, ớt xanh thái nhỏ vào chung với cá đã trộn gạo rang. Chuẩn bị một ít đậu phộng rang chín, giã dập và vài cái bánh tráng nướng.

Ăn gỏi cá cơm không thể thiếu rau xà lách, cải tầu ô, cải canh xanh mướt, dăm trái cà chua chín đỏ và đôi ba trái chuối chát được xắt lát mỏng trộn đều…

Gỏi bòng bòng Lý Sơn

Mỗi năm, rau bòng bòng chỉ sinh trưởng từ tháng 2-4 âm lịch. Bởi vậy mà đến Lý Sơn những tháng này, du khách mới có dịp thưởng thức món đặc sản tuyệt vời này – món gỏi bòng bòng hay rau cum cúm.

Bòng bòng vừa nhổ về, cắt đi phần gốc, rồi ngâm qua đêm trong nước cho bớt vị tanh. Khi cần chế biến, chỉ việc cho mớ bòng bòng qua nước sôi rồi vớt ra để giữ được độ giòn. Sau đó thái nhỏ, trộn dầu ăn đã khử chín cùng các gia vị gồm mắm, chanh, đường, bột nem… sao cho vừa miệng. Khi gần ăn, người Lý Sơn cho thêm các loại rau thơm và đậu phộng rang vào, là đã có món gỏi bòng bòng tuyệt vời để xúc bánh tráng hay ăn cùng cơm. Những cộng bòng bòng dòn sựt, vị rong biển đặc trưng khó lẫn hòa cùng mùi thơm của mắm, chanh và hạt đậu bùi bùi, tạo nên cảm giác ngon khó tả.

Mắm nhum

Theo sử sách, vào đời vua Minh Mạng, mỗi năm người dân Quảng Ngãi phải nộp mắm nhum để tiến cống cho triều đình và bắt buộc phải cống bằng vật phẩm, không được thay thế bằng tiền. Vì thế, mắm nhum còn được gọi với cái tên hoa mỹ là mắm tiến vua hay mắm ngự.

Nhum có thể chế biến làm nhiều món, hưng ngon nhất là chế biến thành mắm nhum. Thịt nhum cho vào chai, rải muối và tiêu rồi đậy nắp kín, để nắng nửa tháng chuyển sang đặc sền sệt màu hồng đỏ ăn với thịt ba rọi cuốn bánh tráng, rau sống. Cũng chính vì hương vị đặc trưng của các món chế biến từ nhum mà các thực khách đến đây thường không bỏ qua món nhum biển.

Gỏi cá trích Đức Minh

Món cá trích chỉ được làm chín bằng thứ duy nhất là nước cốt chanh, nhưng ngon đến lạ kỳ! Cái nôi của món gỏi ngon nức tiếng này là vùng biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức. Chính cái ngon kỳ lạ ấy mà đến mùa cá trích, các quán ăn ở vùng biển xã Đức Minh đông nghẹt khách khắp nơi đến để thưởng thức món gỏi cá trích cho thỏa. Khi thưởng thức, thực khách cầm lên một miếng bánh tráng sống cho vào vài cộng rau thơm rồi cho gỏi cá lên trên quấn lại, chấm với nước mắm. Gỏi cá trích đặc biệt ở mùi thơm, vị ngọt, bùi của cá hòa quyện với mùa thơm của bột gạo làm từ bánh tráng trộn và các loại rau gia vị.

Hến kình sông Thoa

Sông Thoa, chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận Đức Phổ, dòng sông này lại góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển, nên được xem là sông mẹ.

Hến kình là loài thủy sinh thân mềm có hai mảnh vỏ bên ngoài, trông rất giống hến nhưng lớn hơn hến gấp nhiều lần. Vì thế, những người dân nơi đây gọi là hến kình. Sau khi mang về, hến kình được sửa sạch và ngâm trong nước vo gạo vài giờ đồng hồ. Tiếp đến, vớt hến ra rổ rồi sơ chế, bỏ hai mảnh vỏ bên ngoài, lấy phần thân trong rồi rửa sạch. Thân hến dùng để chế biến các món: Nấu cháo, nấu canh, xào, nướng… đậm đà hương vị sông quê. Đơn giản và không kém phần ngon ngọt là món hến luộc chấm với bột nêm vắt thêm ít nước tắc.

Canh rau xanh ốc đá

Đồng bào miền núi phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có câu: “Rau ranh, ốc đá, Là cá nậu nguồn”. Vì xa biển nên loại thực phẩm phổ biến được xem như cá của người nậu nguồn nơi đây là rau ranh, ốc đá. Có nhiều cách chế biến ốc đá và rau ranh. Trong đó, thơm ngon độc đáo nhất là món canh rau ranh ốc đá. Ở miền núi xứ Quảng, rau ranh và ốc đá có quanh năm nhưng ngon nhất là vào thời gian từ mùa xuân đến giữa mùa hè.

Làm món canh rau ranh ốc đá khá đơn giản. Nguyên liệu chính chỉ có ốc và rau. Ốc bắt về đem ngâm một ngày cho sạch. Sau khi ngâm, chà ốc cho sạch phần vỏ, chặt bỏ đuôi để dễ hút. Ốc được nêm gia vị (phải có ớt, sả và một ít lá chanh non thì mới ngon) rồi đem xào cho thấm, sau đó cho nước vào nấu. Cho thêm một ít gạo hoặc đậu xanh sẽ ngon hơn. Nước sôi một hồi lâu thì cho rau ranh vào. Đợi canh sôi lại, nêm nếm vừa ăn rồi nhắc xuống là được.

Du lịch Quảng Ngãi nên mua gì về làm quà?

  • Tỏi Lý Sơn.
  • Cam đường Lý Sơn.
  • Quế Trà Bồng.
  • Mạch nha Mộ Đức.
  • Bánh ít lá gai Lý Sơn.
  • Bánh mè Trì Bình.
  • Mắm nhum.
  • Bánh bó.
  • Kẹo gương đậu phộng.

Những lưu ý và kinh nghiệm bạn nên biết khi đi du lịch Quảng Ngãi

  • Để có một chuyến tham quan Quảng Ngãi tuyệt vời nhất, bạn nên lựa chọn thời điểm đi du lịch phù hợp với điều kiện thời tiết.
  • Bạn nên lên một lịch trình du lịch Quảng Ngãi chi tiết để chuyến đi diễn ra thuận lợi.
  • Nếu bạn không có thời gian lên lịch trình khám phá Quảng Ngãi, bạn hãy đặt tour của các công ty du lịch cho nhanh gọn.
  • Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn hãy chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết. Một số tư trang mà bạn nên mang theo đó là: Quần áo, áo khoác, kính, mũ nón, giày dép, kem chống nắng, áo mưa, thuốc đặc trị, đồ chuyên dụng cá nhân….
  • Bạn chỉ nên đem theo tiền mặt đủ dùng để tránh bị rơi rớt hoặc mất cắp.
  • Nếu đi du lịch tự túc từ 1-2 người, bạn nên di chuyển bằng xe máy để tiết kiệm chi phí.
  • Theo kinh nghiệm của Phượt, nếu bạn đi du lịch Quảng Ngãi theo nhóm đông từ 4 người trở lên. Bạn hãy thuê xe ô tô kèm tài xế để tiết kiệm chi phí cũng như chủ động được thời gian vui chơi và khám phá.
  • Nếu bạn muốn “sống ảo” thoải mái mà không lo điện thoại hết pin, hãy đem theo cục sạc dự phòng.
  • Bạn nên lựa chọn địa điểm tham quan gần nơi bạn lưu trú để thuận tiện cho việc di chuyển trong hành trình du lịch Quảng Ngãi.
  • Hãy trả về nguyên hiện trạng ban đầu những khu vực bạn đi qua. Đừng vứt rác bừa bãi trên biển hay vi phạm những quy định khi vui chơi trên biển đảo.
  • Bạn nên mặc trang trọng và lịch sự khi tham quan những địa điểm linh thiêng. Hãy tuân theo quy định và giữ trật tự khi tham quan.
  • Đừng quên lên danh sách thực đơn “nên ăn gì khi đi du lịch Quảng Ngãi”.
  • Hãy lựa chọn những địa điểm bán hàng uy tín khi bạn mua đặc sản về làm quà. Thêm nữa là bạn cũng nên khảo sát giá trước khi mua để không bị mua đắt nhé!

Khám Phá Tour

Login