Điểm Đến

Sóc Trăng

Sóc Trăng

Sóc Trăng là vùng đất mang bản sắc văn hóa, của cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư lâu đời. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có hệ thống các cù lao nối tiếp nhau dài hơn 50km dọc theo bờ sông Hậu, các vườn cây ăn trái cùng hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nhiều lợi thế là vậy, nhưng du lịch Sóc Trăng vẫn còn chậm, chưa đi vào chiều sâu, thiếu tính chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương vẫn chưa được khai thác. Du khách biết đến Sóc Trăng hiện nay chủ yếu bởi hệ thống chùa Khmer nổi tiếng với nhiều kiến trúc độc đáo.

Kinh Nghiệm Du Lịch

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cách Cần Thơ khoảng 60km và cách trung tâm Sài Gòn hơn 200km. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh’leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là “xứ”, “cõi”, Kh’leang (ឃ្លាំង) là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh’leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng.

Là mái nhà chung hội tụ các dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa,  Sóc Trăng được biết đến như một vùng đất đẹp, giàu bản sắc văn hóa giao thoa lâu đời. Chính nét đẹp văn hóa đa dạng và độc đáo đã khiến  Sóc Trăng trở thành mảnh đất huyền bí, níu chân du khách và tạo được sự riêng biệt khác lạ để phát triển du lịch, đặc biệt là văn hóa tâm linh và lễ hội dân tộc. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc độc đáo như: chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Phật Học, Bảo tàng Khmer và các điểm du lịch mang nét đẹp hiền hậu của vùng sông nước như Chợ nổi Ngã Năm, Vườn cò Tân Long… là những điểm đến mà du khách gần xa khi lần đầu đến  Sóc Trăng không thể bỏ qua.

Ngoài ra, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, bờ biển dài 72 km, có ba cửa sông lớn tiếp giáp biển là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh,  Sóc Trăng có điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nhiều bí ẩn, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của người dân vùng sông nước chính là đặc sản riêng của mảnh đất này.

Du lịch Sóc Trăng mùa nào?

Khí hậu Sóc Trăng được chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, thường thì mùa khô kéo dài trong khoảng cuối năm trước đến đầu năm sau.

  • Do không có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng theo mùa nên khí hậu không quá ảnh hưởng đến lịch trình tới  Sóc Trăng, tùy vào thời gian rảnh rỗi mà các bạn sắp xếp sao cho phù hợp. Tất nhiên, nếu có thể các bạn hãy đi vào tầm tháng 11-12 cho khô ráo.
  • Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào rằm tháng 10 (âm lịch), đây là một lễ hội rất hấp dẫn với những màn đua ghe mang đậm dấu ấn Khmer.
  • Với việc tuyến tàu cao tốc xuất phát từ cảng Trần Đề có thời gian nhanh hơn, nếu có kế hoạch kết hợp đi Côn Đảo trong chuyến khám phá  Sóc Trăng của mình, các bạn có thể lựa chọn khoảng thời gian tháng 4-5. Thời tiết lúc này ấm áp, biển tương đối phù hợp để đi tàu

Phương tiện di chuyển khi du lịch Sóc Trăng

Từ Thành Phố Hồ Chí Minh:

+ Xe khách đi Sóc Trăng: du khách có thể mua vé xe ở bến xe miền Tây. Giá vé dao động từ 160.000 – 200.000 VNĐ, thời gian đi khoảng 4-5 tiếng. Du khách nên chọn các hãng xe có tiếng như:

Phương Trang – số điện thoại: 1900 6067

Mai Linh – số điện thoại: 08. 39 39 39 39

Phương tiện cá nhân

Với khoảng cách chừng hơn 200km, việc di chuyển từ Sài Gòn tới  Tp Sóc Trăng sẽ mất khoảng 5 tiếng. Sử dụng ô tô, các bạn có thể đi theo tuyến đường QL1A tới Tp Cần Thơ rồi từ đây tiếp tục tới  Sóc Trăng. Tuyến đường này di chuyển sẽ thuận lợi hơn vì toàn bộ hành trình không phải sử dụng bất cứ tuyến phà nào.

Một lựa chọn khác nếu các bạn có thời gian là tuyến đường qua Bến Tre, Trà Vinh rồi bám theo tuyến QL60 để tới  Sóc Trăng. Tuyến đường này tuy gần hơn sẽ mất thời gian hơn bởi sẽ phải qua 2 chuyến phà ở Đại Ngãi, Cù Lao Dung. Thời gian qua được 2 bến phà này với ô tô kể cả đi vào ngày thường cũng phải mất chừng 2-3 tiếng.

Máy bay

Phương tiện phù hợp cho các bạn từ miền Bắc hay miền Trung để tới được Sóc Trăng, có 2 sân bay mà các bạn có thể lựa chọn là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ. Từ Cần Thơ đi  Sóc Trăng sẽ gần hơn nhưng các chuyến bay tới Sài Gòn lại nhiều lựa chọn hơn, tùy theo kế hoạch riêng mà các bạn lựa chọn sao cho phù hợp. Sau khi hạ cánh, các bạn có thể sử dụng các tuyến xe giường nằm chất lượng cao để di chuyển tới  Sóc Trăng

Đi lại ở Sóc Trăng: 

Xe máy

Với khoảng cách không quá xa, đa phần du khách khi tới Sóc Trăng thường sử dụng phương tiện cá nhân của mình, chính bởi vậy dịch vụ cho thuê xe máy ở  Sóc Trăng có lẽ chưa phát triển bởi thị trường còn quá nhỏ hẹp. Hiện toàn thành phố cũng chỉ xuất hiện một vài địa chỉ, các bạn nếu không thuê được có thể liên hệ với khách sạn nơi mình lưu trú để nhờ tìm giúp.

Xe buýt

Dù mạng lưới xe buýt không quá nhiều nhưng cơ bản các tuyến xe buýt ở Sóc Trăng vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển đến một số địa điểm trong tỉnh. Với những bạn tới  Sóc Trăng bằng xe khách, đây cũng là một lựa chọn không tồi.

Taxi

Khi bạn không có phương tiện cá nhân cũng không thể thuê được xe máy thì hãy tính đến một lựa chọn tốn kém hơn đấy là sử dụng taxi. Thực ra, nếu các bạn đi theo nhóm khoảng 4-5 người thì việc thuê taxi đi lại khi đến  Sóc Trăng cũng không quá tốn kém khi chia đều ra, taxi cũng phù hợp cho các bạn đi gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Một số hãng taxi đang hoạt động ở Sóc Trăng

  • Mai Linh  Sóc Trăng: 0299 3686868
  • Vinasun Sóc Trăng: 0299 3888888

Các địa điểm du lịch ở Sóc Trăng

Chùa Dơi

Chùa Dơi là một ngôi chùa có kiến trúc hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt Nam – Campuchia, còn có tên là Serây tê chô mahatúp, trong tiếng Khmer có nghĩa là do phúc đức tạo nên. Cái tên Chùa Dơi xuất phát do ở xung quanh chùa có một cánh rừng với chủ yếu là các cây sao và dầu, trong đó có hàng vạn con dơi đang sinh sống; cứ chiều đến hàng vạn con dơi lại kéo về sân chùa che kín cả bầu trời. Các vị sư ở đây cho rằng việc dơi đổ về chùa là phúc lành nhà Phật cho ngôi chùa này nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi.

Chùa Som Rong

Bôtum Vong Sa Som Rong thường gọi là chùa Som Rong, ở số 367, đường Tôn Đức Thắng, Phường 5,  TP Sóc Trăng Sóc Trăng. Chùa có từ khoảng năm 1785, ban đầu được dựng lên bằng tre, gỗ và lợp lá đơn sơ. Xung quanh có rất nhiều cây Som Rong tự sinh sôi, phát triển nên nhà chùa lấy tên của loài cây Som Rong có hoa gọi là Bôtum để đặt tên.

Chùa Đất Sét

Chùa Đất Sét (tên chính thức là Bửu Sơn Tự, chữ Hán: 寶山寺) tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 5,  thành phố Sóc Trăng Sóc Trăng. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh, vì có hàng ngàn pho tượng bằng đất sét và 4 đôi nến (đèn cầy) cao lớn. Chùa Đất Sét được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Ban đầu, chỉ là một am nhỏ bằng cây lá trên một diện tích nhỏ hẹp, và trong sảnh điện thờ cũng rất đơn sơ. Mãi đến đời trụ trì thứ tư là ông Ngô Kim Tòng, am nhỏ mới được tôn tạo, mở rộng và có thêm nhiều tượng thờ như ngày nay.

Chùa Khléang

Đây một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ, hiện tọa lạc ở số 53 đường Tôn Đức Thắng, phường 6,  thành phố Sóc Trăng Sóc Trăng. Ngôi chùa đầu tiên được xây từ đầu thế kỷ 16 dưới lệnh của vua nước Chân Lạp khi đó. Ngôi chùa đầu tiên ấy đến nay không còn lại dấu tích gì, ngôi chính điện và sa la ngày nay được xây cất bằng gạch ngói từ giữa thế kỷ 16. Như bao ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, nơi đây cũng chỉ thờ duy nhất là Phật Thích Ca, trên tường là bức bích họa mô tả cuộc đời vị Phật ấy từ lúc sinh ra cho đến khi đắc đạo.

Chùa Ông Bổn

Còn có tên gọi Hòa An Hội Quán, ngôi chùa được xây dựng vào năm 1875, thờ ông bổn (Bổn Đầu Công). Chùa được xây dựng với kiến trúc độc đáo của người Hoa với chất liệu toàn bằng đá, gỗ quý từ Trung Quốc chở qua. Di tích này được trải qua 7 đợt trùng tu nhưng hiện vẫn còn giữ được nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc. Vào mỗi dịp rằm tháng giêng hàng năm nhân tết nguyên tiêu chùa đều có tổ chức lễ hội đấu đèn lồng.

Chùa Trà Tim

Một trong số những ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất ở vùng đất  Sóc Trăng được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15-16 có chùa Trà Tim. Hiện nay, trên địa bàn  thành phố Sóc Trăng Sóc Trăng có đến 3 ngôi chùa cùng tên Trà Tim mà người dân quen gọi là Trà Tim cũ, Trà Tim mới và Trà Tim giữa. Căn cứ vào lịch sử hình thành, chùa Trà Tim cũ (còn có tên là chùa Chrôi Tưm Chắs) có niên đại lâu đời và hoành tráng nhất.

Thiền viện Trúc lâm Sóc Trăng

Thiền viện là một công trình lớn tổng hợp gồm nhiều công trình nhiều phụ, tổng diện tích được xây dựng gần 6ha, với các hạng mục: chánh điện, đường vào, cổng tam quan, lầu trống, lầu chuông, bảo tháp, tam bảo, nhà tổ, hội trường. Phần chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách thời vua triều Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời nhà Lý. Mái chùa là dạng kiến trúc điển hình mô phỏng đời sống nông nghiệp của người dân Việt Nam.

Bảo tàng  Sóc Trăng

Bảo tàng tỉnh là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, hiện nơi đây đang trưng bày 730 hiện vật có giá trị, trong đó có nhiều hiện vật của người dân địa phương hiến tặng.

Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer

Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer (thuộc Bảo tàng tỉnh  Sóc Trăng) với diện tích 2.344 m2. Đây chính là nơi lưu giữ tổng hợp các hiện vật sinh động và đa dạng về đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, sinh hoạt của cả dân tộc Khmer tỉnh  Sóc Trăng nói riêng và Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Hồ Nước Ngọt

Khu công viên văn hóa này bao gồm 2 hồ: hồ nhỏ đượ xây dựng theo nguyên bản Hồ Tịnh Tâm ở Kinh thành Huế, hồ lớn được đào năm 1982 là công trình thủy lợi do hàng ngàn người dân  Sóc Trăng đào thủ công

Chùa Cà Săng

Chùa Sê Rây Kro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng, được xây dựng vào năm 1576, có diện tích 22230 m². Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh  Sóc Trăng với quần thể kiến trúc hài hòa có niên đại trên 400 năm. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất, có giá trị thẩm mỹ thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam Bộ. Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.

Khu du lịch sinh thái Hồ Bể 

Ngoài hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, du khách đến  Sóc Trăng còn có thể ghé Hồ Bể. Đây là một bãi biển vừa được khai phá giữa vùng trồng rừng phòng hộ ven biển, với chiều dài hơn 5km, vẫn còn mộc mạc, hoang sơ, cát mịn màng và sóng hiền hòa, rất thích hợp cho những chuyến thư giãn cuối tuần.

Chợ nổi Ngã Năm

Chợ nổi Ngã Năm được hình thành rất sớm và khá sung túc. Thời gian chợ hoạt động nhộn nhịp và sôi nổi nhất là khoảng 3-4 giờ khuya đến 7-8 giờ sáng. Đây là thời điểm các ghe tập trung lại để trao đổi hàng hóa với các thương lái đến từ các huyện, tỉnh lân cận. Chủng loại hàng hóa của chợ nổi Ngã Năm rất phong phú và đa đạng, từ các loại gạo ngon nổi tiếng của vựa lúa lớn trong khu vực cho đến các loại rau, củ quả miệt vườn; từ các mặt hàng nông sản, hải sản cho đến các vật dụng sinh hoạt, gia dụng hàng ngày.

Vườn cò Tân Long

Vườn cò Tân Long được che phủ bởi những tán dừa, lùm tre, hàng bình bát xanh um tạo nên vẻ đẹp chân quê, và là nơi trú ngụ của các loài cò ngà, cò trắng, cò đầu đỏ, cò trâu, cò cá, cò bợ, cò lạo xám, cò nhạn… có cả cò quắm, cồng cộc, vạc và đặc biệt là diệc mốc. Đây là một địa điểm khá hấp dẫn với diện tích hơn 1,5 ha, được quản lý và xây dựng bởi một người đàn ông địa phương tên Mười.

Chùa Sà Lôn

Chùa Sà Lôn (tiếng Khmer: Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luông, tục gọi là chùa Chén Kiểu) là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên Quốc lộ 1A thuộc huyện Mỹ Xuyên. Chùa có tên Khmer là “Wath Sro Loun”, để dễ phát âm, từ “Sro Loun” được đọc chại thành “Sà Lôn”. “Sro Loun” lại có nguồn gốc từ chữ “Chro Luong”, là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là “chùa Chén Kiểu” là do dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí. Trong chùa hiện còn lưu giữ một số đồ gỗ được nhà chùa mua lại trong phần gia sản của “Công tử Bạc Liêu” (Trần Trinh Huy) năm 1947, với giá khá cao.

Bãi biển Mỏ Ó

Tiếp giáp cửa sông Mỹ Thanh và Trần Đề là bãi biển Mỏ Ó thuộc xã Trung Bình có chiều dài 8 km, được phù sa bồi đắp, bao bọc bởi rừng ngập mặn. Nơi đây không khí mát mẻ, trong lành, phù hợp cho du khách đến tham quan và thưởng thức hải sản tươi sống được khai thác bởi ngư dân địa phương.

Cồn Mỹ Phước

Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu, xuôi theo dòng sông Hậu, giữa đôi bờ của 2 tỉnh  Sóc Trăng và Trà Vinh. Cồn Mỹ Phước có chiều dài khoảng 5km, với diện tích tự nhiên hơn 1020 ha, trong đó diện tích cây ăn trái trên 300 ha. Với nhiều lợi thế, người dân ở cồn Mỹ Phước đã bắt đầu bước vào việc xây dựng, tổ chức khai thác, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo loại hình homestay, du lịch cộng đồng.

Chùa Giồng Đá

Chùa Giồng Đá (Thiên Phước Cổ tự) được hình thành từ năm 1880 và xây dựng thêm vào năm 1893, đây là ngôi chùa thuộc hệ Phật giáo Bắc Tông. Tuy nhiên, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1966, ngôi chùa mới hiện nay chỉ mới được xây dựng lại từ năm 2003, hoàn thành vào năm 2014.

Cù Lao Dung

Cù Lao Dung, như tên gọi của nó, là một huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu. Cù Lao Dung được bao bọc bởi bốn bề sông nước, địa hình bằng phẳng, hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú, hấp dẫn. Ở đầu dãy cù lao, du khách sẽ bị ngỡ ngàng, lôi cuốn bởi những vườn cây ăn trái sai trĩu quả.

Nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Cù Lao Dung là xã An Thạnh Nam, nơi đây có khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1500 ha. Đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã….

Chùa Bốn Mặt

Chùa được xây dựng vào năm 1537, có diện tích 65000 m², có tên đầy đủ là Prés on Prés Buôl Prés Phék. Cổng chùa Bốn Mặt là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu xanh nhạt, được thiết kế tinh xảo với 03 ngọn tháp tròn 5 tầng được đắp nổi hình tượng các nhân vật trong văn hóa Khmer. Bên trong chánh điện, ngoài tượng Phật Thích Ca như các ngôi chùa Khmer khác và các hình họa mô tả về các tích của đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi nhập cõi niết bàn, chùa còn thờ một tượng Phật bốn mặt có nguồn gốc lâu đời. Có thể nói tượng Phật Bốn mặt tại chùa là tượng Phật Bốn mặt duy nhất tại Việt Nam.

Chùa Bà Thiên Hậu

Ngôi miếu này đã có lịch sử hơn 120 năm, gắn liền với việc định cư của cộng đồng người Hoa ở đất Vũng Thơm (Châu Thành). Chùa Bà Thiên Hậu Vũng Thơm là một địa chỉ lịch sử gắn liền với quá trình định cư và cộng cư của cộng đồng người Hoa ở vùng đất này với các dân tộc Kinh – Khmer anh em, là nơi lưu giữ ký ức cộng đồng và góp phần bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hoa ở vùng đất Vũng Thơm.

Phước Đức Miếu Cổ

Phước Đức Cổ Miếu nằm trong khuôn viên hơn 3000 m² cạnh Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị. Đây là ngôi chùa có lịch sử hình thành khá lâu đời, cách đây hơn 100 năm, được xây dựng với lối kiến trúc đặc biệt theo cấu trúc của người Hoa cổ.

Đến Sóc Trăng ăn gì?

Bánh Pía

Làng bánh pía Vũng Thơm, từ lâu đã trở thành một thương hiệu bậc nhất của tỉnh Sóc Trăng. Bánh pía có hình tròn, dẹp, có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại), lòng đỏ trứng vịt muối … Lớp vỏ lụa mỏng dính, tróc đều. Vì vậy một vài nơi người ta còn gọi bánh pía là bánh lột da. Bánh pía mềm, dẻo, có vị ngọt thanh, có mùi thơm của sầu riêng quyện với đậu xanh, mỡ heo hoặc dầu ăn… dễ khích thích khứu giác, vị giác của người thưởng thức. Bánh vừa ra lò có màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng hoặc các loại nhưng khác có vị thơm ngon, bắt mắt.

Bánh ống

Gọi là bánh ống vì bánh làm bằng bột gạo được đổ vào khuôn bánh là những chiếc ống. Bột gạo đã tẩm lá dứa cho vào khuôn hấp độ vài phút, kéo que tre giữa khuôn lên, cả chiếc bánh theo que tre mà ra ngoài. Xẻ một đường giữa thân bánh, rắc ít muối mè, đường, đậu phộng rang giã nhỏ, thêm tí dừa nạo trắng muốt, thế là món bánh ống đã sẵn sàng.

Bánh ú mặn

Bánh ú có 2 loại là bánh ú nước tro gói bằng lá tre và bánh ú mặn nhân thịt gói bằng lá chuối. Nguyên liệu làm bánh gồm nếp, đậu phộng, nước cốt dừa, tôm khô, thịt heo, nấm đông cô hoặc nấm mèo, lạp xưởng và đặc biệt là lòng đỏ trứng vịt muối. Bánh thường được gói bằng lá chuối, dạng hình tam giác cân và buộc bằng dây lạc với kích cỡ khá to như hai bàn tay bụm lại, lớn gấp hai ba lần chiếc bánh ú nước tro.

Bánh in

Cổ Cò còn là nơi khởi nguồn của làng nghề làm bánh in chứ danh ở Mỹ Xuyên. Nguyên liệu chính làm bánh in Cổ Cò là từ bột nếp rang, đậu xanh và đường cát được đúc trong những khuôn gỗ có hình rất đẹp mắt và tinh xảo. Nhân bánh in đặc trưng của  Sóc Trăng là nhân sầu riêng và nhân đậu xanh.

Bánh cóng

Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đậu nành, thịt heo, tép đất, dừa tươi, hành lá… Bánh được chiên chín vàng ươm nhìn rất ngon miệng. Khi ăn cuốn bánh với các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt.

Bánh bò

Bánh bò là loại bánh ưa thích của người dân  Sóc Trăng, được làm quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mỗi dịp thanh minh. Bánh bò với vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt của đường, độ dai của bột năng, hương thơm của bột gạo và lá dứa tạo thành hương vị riêng của món này. Bánh bò có thể ăn kèm với muối mè, nước cốt dừa đã thắng sệt, các loại thịt quay hay bánh quẩy.

Bánh phồng tôm

Với thành phần nguyên liệu chính gồm bột mì, thịt tôm hoặc tép đã lột võ, được xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các nguyên liệu trên sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, người ta cắt ra từng lát hình chữ nhật hay tròn rồi đem phơi khô. Trước khi ăn, phải đem bánh chiên giòn với dầu ăn đã sôi lên, bánh sẽ nở to ra. Những chiếc bánh chiên xong, có hương vị nồng thơm. Khi ăn, bánh mới chiên có độ giòn, xốp, béo ngậy, cay cay. Hương vị của bánh sẽ làm cho bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm chiếc nữa.

Bánh dứa

Bánh dứa là món ăn truyền thống của người dân tộc Khmer  Sóc Trăng, gần đây món bánh này đã khá quen thuộc với du khách khi ghé thăm Sóc Trăng. Bánh vừa mềm, dẻo nhưng giòn và có độ ngọt vừa phải, hoà quyện với hương thơm của lá dứa, vị ngọt béo của dừa nạo, béo bùi của đậu phộng nên khi ăn tạo cảm giác thật ngon miệng mà không chán.

Bún gỏi dà

Có thể nói điểm hấp dẫn và lạ lẫm của bún gỏi dà là nước lèo có vị ngọt, thơm, bùi, khó tả đến mức người ăn không nhận ra trong nước súp có nêm me chua, tương mặn nguyên chất làm gia vị. Nguyên liệu của một tô bún gỏi dà cơ bản gồm có: Sườn non, tôm đất, thịt ba chỉ. Nếu như bún riêu đậm đà hương vị của cua, bún nước lèo nồng nàn hơi mắm thì tô bún gỏi dà lại mang mùi vị đặc trưng của tôm đất, tương xay, vừa ngọt đậm vừa thơm ngon, hòa quyện với hương vị của nước súp, rau, giá, hẹ,… làm cho người ăn có cảm giác như vừa khám phá thêm một món mới đầy thú vị.

Bún nước lèo

Nguyên liệu chế biến Bún nước lèo gồm có: cá lóc, tép, rau muống, giá, bông chuối, rau thơm, nước mắm ngon, dừa tươi, nước sạch, ngãi bún, sả cây. Đặc biệt, không thể thiếu trong món bún nước lèo chính là nước lèo được làm từ mắm cá sặc, mắm bò hóc hay mắm cá lóc. Đây là nguyên liệu tạo cho tô bún nước lèo trở nên ngon và hấp dẫn với hương thơm của mắm làm ngây ngất lòng thực khách.

Hủ tiếu xương

Nước súp của hủ tiếu xương có thể nấu từ xương gà hoặc xương heo, nhưng được nấu phổ biến nhất là xương heo. Trước khi dùng, hủ tiếu, giá, hẹ được trần qua với nước sôi, bên trên xếp gan, cật heo đã luộc và thái lát, xương heo ninh mềm, chan nước súp vừa phải, để thêm hành, ngò và tiêu. Vị béo ngậy, thanh ngọt của nước hầm xương hòa quyện vào sợi hủ tiếu vừa trong vừa dai, cùng vị cay dịu của tiêu, cay nồng của ớt sẽ là hương vị khó quên với bất kỳ ai thưởng thức.

Bún vịt nấu tiêu

Đây là một món ăn do người Hoa sáng chế và trở thành một trong nhiều món ngon của  Sóc Trăng. Gia vị chủ yếu để nấu món này là hột tiêu để tạo vị cay. Nước lèo được nấu bằng xương và nước dừa tươi để tạo vị ngọt. Vịt tơ được làm sạch, chặt vừa ăn, ướp thịt với hột tiêu, hột tiêu một nửa được đập hơi giập, một nửa để nguyên hạt, cùng các gia vị khác như đường, bột ngọt, tỏi, hạt điều,… Khi thịt được ướp đã thấm gia vị, tiếp tục phi tỏi và hạt điều vàng, cho thịt vào xào, xóc đều, đợi nồi thịt rút hơi cạn nước và thịt săn lại, đổ nước lèo đã chuẩn bị sẵn vào nồi nấu thêm hai giờ, nêm nếm gia vị vừa ăn.

Bê thui  Sóc Trăng

Để tạo vị ngon cho món ăn này, phải chọn loại bò tơ vừa nhú sừng để thịt ngọt và mềm. Bò được làm sạch lông, để nguyên con và lấy một cây tre hay thanh sắt xiên dọc theo thân mình rồi đem gác lên giá đỡ hình chữ X đóng tréo xuống đất, phía dưới có lò than hồng để nướng bò cho thịt vừa chín tái. Thịt được cuốn với bánh tráng, bún, rau sống, chuối chát, khế và chấm với nước mắm nêm có ít mè. Đây là một món ăn ngon mà người dân địa phương thường gọi là bò giá tréo hay bò tái mướt.

Mắm cá lóc Ngã Năm

Món mắm cá lóc Ngã Năm được chế biến từ loại cá lóc đồng, còn sống, được tự tay người dân nơi đây ủ thành mắm với quy trình khá công phu và tỉ mỉ. Từ mắm cá lóc có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như mắm lóc ăn sống (xé nhỏ thịt mắm, sơ chế với chanh, tỏi ớt, và nêm ít gia vị là có thể dùng được) hay mắm cá lóc chưng thịt ba rọi, mắm cá lóc chưng tương… Đặc biệt, món ăn hấp dẫn và độc đáo phải kể đến là món mắm cá lóc chiên.

Xá bấu

Đây là món ăn được người dân địa phương và du khách khá yêu thích. Người dân lựa củ cải trắng tròn dài đều, đem cắt độ 8 phân rổi chẻ mỏng đều lại theo sợi dài, ướp muối, phơi độ 2 – 3 nắng là vừa. Sau đó, đem trộn với đường cát, theo tỷ lệ thích hợp, ủ lại vài ngày cho đường ngấm vào từng sợi xá pấu. Ngoài ra, để tăng thêm hương vị của xá pấu ngọt, người dân còn có thể ướp thêm một số loại như củ gừng, củ riềng, giấm, tỏi, ớt hoặc xì dầu ngon.

Bông hẹ

Bông hẹ thường được chế biến thành món xào, dùng khá phổ biến trong bữa cơm gia đình, quán ăn và nhà hàng. Thông thường bông hẹ được dùng xào chung với các loại thịt, cá, nhưng ngon nhất và chế biến nhanh nhất vẫn là chọn xào chung với mực, tôm hay thịt bò. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt thanh và giòn, tạo vị giác hấp dẫn, ngon miệng.

Mang gì về làm quà khi đến Sóc Trăng?

Khô trâu Thạnh Trị

Khô trâu nhiều vùng ở  Sóc Trăng có, nhưng để có miếng khô khi nướng lên tươm mật thì chỉ có ở khô trâu Thạnh Trị. Khô trâu ở đây được làm từ loại thịt đùi sau của con trâu già, thịt săn chắc không tích nước. Trước khi đem phơi người ta đem thịt lóc sạch gân, lát ra thành mảnh dài bằng bàn chân, đập mỏng ướp thêm tỏi, đường, tiêu bột ngọt để thịt thấm gia vị, sau 2 giờ rồi đem phơi 3 ngày dưới nắng. Hiện nay, để không phụ thuộc thời tiết thì khô trâu được sản xuất bằng các lò sấy công nghiệp, món này tương tự như món thịt trâu gác bếp thường thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có khác chỉ là công thức tẩm ướp riêng của từng vùng.

Khô heo

Khô thịt heo là món ăn do người Hoa ở  Sóc Trăng chế biến. Các nguyên vật liệu chính gồm: thịt nạc, rượu mùi, đường, muối và gia vị. Với bí quyết chế biến và cân đối trong việc trộn nguyên liệu, liều lượng riêng sẽ làm cho khô thịt có mùi vị thơm ngon. Khô heo ở  Sóc Trăng được chia làm 2 loại, loại khô có thể ăn ngay khi mua về, loại tươi cần chế biến trước rồi mới có thể ăn.

Bưởi Năm Roi Kế Thành

Với đặc điểm có vỏ mỏng, màu trái vàng óng, sáng đẹp, có vị ngọt rất đậm đà, ăn không the, không hạt lúc chín, nên bưởi Kế Thành rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xoài Đài Loan

Đây là giống xoài mới được trồng khoảng chục năm trở lại đây tại xã An Thạnh Nhứt, Cù Lao Dung. Loại xoài này thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên cho trái rất to, khoảng từ 1 đến 2kg, võ có màu tím, vàng, xanh rất đẹp và hương vị rất thơm ngon.

Hành tím Vĩnh Châu

Hành tím Vĩnh Châu được người tiêu dùng ưa chuộng do có chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất có lợi cho sức khỏe, được dùng làm thực phẩm, phụ gia và dược liệu.

Cốm dẹp

Lúa được dùng để làm cốm dẹp phải là loại lúa nếp hạt dài, dẻo, thơm, vừa đỏ đuôi. Đầu tiên, nếp đem đi rang trong chảo gang, phải giữ lửa nhỏ đều. Khi thấy hạt nếp hơi giòn và ngã màu vàng nhạt là cho vào cối giã cho đến khi những hạt nếp dẹp lại gọi là “cốm dẹp”. Độ dẻo ngon của cốm phụ thuộc chủ yếu vào công đoạn rang và giã nếp. Sau đó, bỏ hết cốm ra nia sàng sạch trấu, cám cho cốm được ngon và để cốm ráo tơi ra. Cốm mới giã khá giòn và dẻo ăn rất thơm mùi nếp mới. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn cốm dẹp với dừa rám nạo, ít nước dừa và đường cát trắng.

Những điều cần chú ý khi du lịch tại Sóc Trăng

Ăn mặc lịch sự, kín đáo khi tham quan chùa.

Mang mũ, kính đầy đủ trước khi tham quan.

Nên hỏi giá trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ.

Nhớ giữ gìn trật tự và vệ sinh nơi công cộng

Hình Ảnh

Khám Phá Tour

Login