Cẩm nang du lịch Sầm Sơn chi tiết từ A-Z

Sầm Sơn là bãi biển nổi tiếng nhất của Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 180 km và TP Thanh Hóa khoảng 16 km. Bãi biển Sầm Sơn có hình trăng khuyết, chạy dài 9 km từ chân núi Trường Lệ đến xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn), rộng hàng nghìn mét, bằng phẳng, cát mịn, không có chỗ quá sâu, lầy thụt hoặc đá ngầm.

Nước biển Sầm Sơn có độ mặn và nhiệt độ thích hợp, có lợi cho sức khỏe, rất thích hợp để du khách nghỉ ngơi, an dưỡng. Học giả người Pháp Le Breton nhận định: “Đây là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khoẻ”.

Sầm Sơn mùa nào đẹp

Mùa hè cũng là thời gian cao điểm của du lịch Sầm Sơn. Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, Sầm Sơn chào đón hàng triệu lượt khách tới tham quan và nghỉ dưỡng. Dịp đông khách nhất phải kể đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 hàng năm. Còn mùa thu trời mát mẻ, thích hợp cho các chuyến nghỉ dưỡng, điểm cộng là các bãi biển thoáng đãng, giá cả dịch vụ đã bình ổn hơn nhiều so với trước đây.

Di chuyển

Quãng đường từ Hà Nội đến Sầm Sơn dài khoảng 180 km, thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng 30 phút, thích hợp cho chuyến du lịch cuối tuần. Có hai tuyến cho bạn lựa chọn: Tuyến đường cao tốc quốc lộ 1 Hà Nội – Ninh Bình đi Thanh Hóa và tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình – Thanh Hóa. Sau đó bạn men theo quốc lộ 47 sẽ đến thành phố Sầm Sơn.

Đi cùng gia đình, bạn có thể lựa chọn tàu hỏa, giá vé từ khoảng 160.000 đến 280.000 đồng tùy hạng ghế. Một lựa chọn khác là đi ôtô khách tuyến Hà Nội – Sầm Sơn từ bến xe Giáp Bát, với giá từ khoảng 100.000 đồng một người.

Ảnh: Giang Huy

Nếu muốn đi tour, bạn có thể liên hệ với các công ty lữ hành tại Hà Nội. Giá trọn gói khoảng 1.600.000 đồng một người cho 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên, bạn nên đọc kỹ lịch trình tour và hỏi xem phần giá đã bao gồm tiền ăn và tiền phòng khách sạn hay chưa.

Du khách từ TP HCM và các tỉnh thành phía Nam có thể đi máy bay đến sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa và đi taxi, sử dụng dịch vụ đưa đón của khách sạn đến Sầm Sơn. Giá vé khứ hồi của các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air… từ khoảng 2.400.000 đồng, thời gian bay hơn 2 tiếng.

Ở Sầm Sơn có nhiều loại phương tiện phục vụ du khách như taxi, xe ôm, xe điện, xe đạp đôi cho thuê. Lưu ý, hỏi kỹ chi phí các dịch vụ không niêm yết giá.

Khách sạn

Khách sạn, nhà nghỉ tại Sầm Sơn đa phần nằm sát biển. Giá phòng mùa cao điểm từ khoảng 250.000 đồng trở lên. Bạn có thể lựa chọn nghỉ tại những khách sạn ngay trên đường Hồ Xuân Hương sát mép biển để có view đẹp, thuận tiện di chuyển.

Giá cả dịch vụ tại bãi A, B thường cao hơn bãi C, D nên với ngân sách vừa phải, bạn có thể tìm đến các nhà nghỉ cách bãi biển 500 – 700 m dưới bãi C, D để tìm phòng giá tốt mà chất lượng phục vụ vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, lựa chọn về các cơ sở lưu trú cao cấp không đa dạng. Hiện FLC Sầm Sơn là khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trong tổng số hơn 600 cơ sở lưu trú tại Thanh Hóa.

Lưu ý khi tắm biển

Biển Sầm Sơn chia thành 4 bãi tắm A, B, C, D.

Bãi tắm A là đông du khách nhất, có độ dốc thoải và sóng mạnh, có nhiều thuyền, vách đá để chụp hình sống ảo. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận khi check-in gần núi do các tảng đá sắc cạnh.

Bãi tắm B có sóng vừa phải hơn, thích hợp với đoàn khách có người già, trẻ nhỏ. Khu vực này tập trung nhiều quán ăn vặt ở bờ biển.

Bãi tắm C sóng lớn, đông khách, sạch sẽ. Dọc bờ biển có nhiều nhà hàng, quán cafe, quán karaoke. Độ dốc bằng phẳng và thường là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi.

Bãi tắm D vắng hơn, gần khu vực thuyền chài, phù hợp với những ai muốn tận hưởng không gian yên tĩnh.

Bãi tắm Sầm Sơn luôn có đội cứu hộ thường trực. Nếu không may gặp sự cố đuối nước, say sóng, chuột rút… tốt nhất bạn nên ngậm miệng, nín thở, tay, chân làm mái chèo, quạt đẩy đầu nhô khỏi mặt nước và ra hiệu để chờ người tới cứu. Thời gian buổi trưa và từ 17h trở đi là thời gian quy định khách du lịch không được tắm biển, đội cứu hộ không làm việc.

Biển Sầm Sơn không êm dịu, bình lặng như các biển khác. Sóng ở đây mạnh, ập lên đến bờ liên tục. Vì vậy, trước khi xuống biển bạn nên tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng để tránh bị chuột rút.

Vào những ngày biển động, Sầm Sơn thường hình thành một số dòng chảy xa bờ rất nguy hiểm. Trước khi xuống tắm, du khách nên dành một vài phút để quan sát, tránh xa khu vực nguy hiểm.

Chơi đâu

Ngoài những bãi tắm đẹp, Sầm Sơn còn có núi đá, đủ các hòn lớn, nhỏ, nằm, ngồi, chồng lên nhau thành muôn hình muôn vẻ ngay cạnh mép nước biển; có rừng cây; đền chùa và di tích. Du khách có thể tham quan một số địa điểm gần như hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, núi Trường Lệ, chợ Sầm Sơn.

Xa hơn một chút, trên đường về, du khách có thể ghé thăm các danh thắng của Thanh Hóa như thành nhà Hồ, suối cá thần, đền thờ Bà Triệu, động Từ Thức, Vườn quốc gia Bến En.

Hòn Trống Mái

Danh thắng này thuộc cụm di tích lịch sử văn hoá danh thắng núi Trường Lệ. Theo truyền thuyết, một lần, một chàng trai đánh cá làng Trường Lệ tình cờ cứu sống một cô gái bị sóng biển xô vào bờ, hai người yêu nhau, rồi kết làm vợ chồng. Cô gái vốn là tiên nữ nhà trời, vì mắc tội nên bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới. Hết hạn đi đày, Ngọc Hoàng sai chư thần xuống đưa tiên nữ về trời, nhưng nàng quyết ở lại với người chồng dưới trần thế. Ngọc Hoàng tức giận, sai Thiên Lôi xuống hỏi tội.

Khi Thiên Lôi tới thì chỉ thấy một bãi đá. Với tình yêu chung thuỷ, đôi vợ chồng trẻ đã biến thành đá để được vĩnh viễn bên nhau. Hòn đá lớn là người chồng, hòn đá nhỏ hơn là người vợ. Xung quanh còn thấy nhiều hòn đá nhỏ khác, hình thù giống đàn lợn, con mèo, chiếc mâm, bếp núc…

Đền Độc Cước

Đây là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng của Thanh Hóa, nên mỗi dịp đầu xuân thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đền Độc Cước nằm trên đỉnh Cổ Giải, dãy núi Trường Lệ. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết người khổng lồ xả thân đánh quỷ biển khơi, với đánh giặc cứu đất liền. Để ghi nhớ công ơn to lớn này, người dân đã lập đền thờ ở ngay bên tảng đá có vết lõm, như dấu tích của bước chân người khổng lồ.

Đền Cô Tiên

Nằm cuối dãy núi Trường Lệ, chùa cô Tiên là di tích nổi tiếng gắn liền với du lịch biển Sầm Sơn. Truyện xưa kể rằng ngôi đền này thờ một người con gái làm nghề thuốc cứu giúp nhiều người bất hạnh. Cha bắt cô lấy một kẻ giàu có, cô phản đối nên bị đuổi khỏi nhà. Cô yêu thương và lấy một chàng trai nghèo khó tốt bụng tên là Côi. Bỗng nàng mắc bệnh hủi, một cụ già xuất hiện, chạy chữa bằng thuốc nam và dòng nước suối trong mát lấy từ Vụng Tiên. Cô gái xinh đẹp khỏi bệnh, bà cụ cáo từ để lại cho vợ chồng họ một tay nải che mưa và một chiếc giỏ mây đựng thuốc cứu người.

Một đêm nọ, đi chữa bệnh về khuya, gặp lúc mưa to gió lớn, nhớ lời bà cụ dặn, hai vợ chồng lấy tay nải ra che mưa rồi ngủ thiếp đi. Sáng dậy, họ thấy mình đang ngồi trong ngôi nhà ba gian lộng lẫy. Từ đó, hai người ở lại ngôi nhà và đi hái lá thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời, họ ăn mặc chỉnh tề dắt nhau lên đỉnh núi, không quay trở lại. Ngôi nhà trở thành đền Cô Tiên và được dân làng hương khói.

Ăn uống

Biển Sầm Sơn có gần 1.000 loại tôm, cua, cá và nhiều hải sản quý hiếm; đặc biệt có gỏi cá và lẩu rắn biển được nhiều người ưa thích. Một số địa chỉ tham khảo là bún hải sản Cao hùng quán (234 Ngô Quyền ), nhà hàng Chinh Thuỷ, nhà hàng Thanh Hợi, nhà hàng Dũng Quých 1-2 hay nhà hàng Tuấn Năm…

 

 

 

 

Mua gì

Bạn có thể mặc cả giá để mua những viên đá biển đủ màu, chiếc móc chìa khóa nhỏ xinh làm từ vỏ ốc, hay chiếc chuông gió vỏ sò được bày bán trên bờ biển để làm kỷ niệm sau chuyến du lịch. Ngoài ra, bạn nên ghé qua chợ Sầm Sơn, Điện Biên để mua hải sản tươi, khô hoặc nem chua với giá tốt.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

  +  73  =  74

Login