Nét đẹp những phiên chợ vùng cao hấp dẫn du khách

Những phiên chợ vùng cao phía Bắc là những gì quý báu, tinh túy nhất mà mảnh đất Tây Bắc đã sản sinh ra từ trong truyền thống tới khi phục vụ du khách ghé thăm. Chợ vùng cao phía Bắc luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước nhờ sự độc đáo, đa dạng văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây thu hút du khách cả trong và ngoài nước tới đây trải nghiệm. Đến chợ phiên, ta có thể đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm với những nụ cười hiền hậu, không khí ấm cúng thân thiện như tính cách con người vùng cao. Những phiên chợ được họp định kì, người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa để bán mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình. Đó là những chiếc áo, chiếc váy được thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu được các cô, các chị say mê chọn lựa, những sản vật địa phương chỉ vùng cao mới có, những bát thắng cố nóng hổi, chén rượu ngô thơm nồng… Chợ là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần, là một nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của các vùng miền.

1. Chợ phiên Mèo Vạc – Hà Giang


Đặc sắc nhất trong các phiên chợ vùng cao ở Hà Giang chính là phiên chợ Mèo Vạc. Chợ phiên Mèo Vạc được mở ra để người dân tộc thiểu số nơi đây tập trung tụ hội, mang nét tinh hoa văn hoá dân tộc Mông nơi đây để giới thiệu tới du khách, bán các sản phẩm, sản vật và hàng hóa giúp tăng thu nhập của bà con và tạo nên một không gian vô cùng thú vị.  Dân xê dịch thường hay có câu: “Tới chợ phiên mèo Vạc thì chẳng cần tiền cũng mua được cả rổ niềm vui”. Ở những phiên chợ ngày tết, những sản phẩm như dao, cày, cuốc cũng được bày bán rất nhiều để khách hàng mua về thay thế những dụng cụ đã hỏng, đã cũ cho vụ mùa mới, làm việc đồng áng sẽ hiệu quả hơn và đạt năng suất tốt hơn. Nam nữ khi tới phiên chợ này cũng nhờ đó mà tìm được người bạn tâm giao yêu thương của mình.  Không chỉ là nơi giao thương và trao đổi, chợ phiên Mèo Vạc còn là nơi hội ngộ bạn bè, tình hữu. Đặc biệt, phiên chợ này nổi tiếng là đầu mối cung cấp thịt và bò nuôi cho khắp nơi. Ngoài ra, du khách có thể mua những loài vật hiếm thấy bán ở miền xuôi như dê núi, lợn cắp nách. Sự đa dạng màu sắc trang phục, những món ăn, hàng hóa sẽ mang lại ấn tượng

2. Chợ phiên Đồng Văn – Hà Giang

Nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, chợ phiên Đồng Văn là trung tâm giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hoá và văn hoá lớn nhất ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc, trở thành nơi hội tụ sắc màu văn hoá của những dân tộc nơi cao nguyên địa đầu phía bắc và là điểm đến không thể thiếu của du khách thập phương. Vào phiên chợ diễn ra vào ngày chủ nhật hàng tuần, đồng bào dân tộc từ khắp nơi lại đổ về chợ phiên Đồng Văn, mang theo nhiều sản vật. Ngày diễn ra chợ phiên, cả khu phố cổ trở nên náo nhiệt và đông vui hơn bao giờ hết. Những người dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô… đã vượt qua chặng đường gian nan để mang theo rau, củi, các đồ nông sản, sản vật trong vùng do chính tay họ làm ra xuống chợ. Người dân ở đây thường dẫn theo cả nhà xuống chợ. Những bà mẹ, những người vợ đi chợ để mua sắm. Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn. Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi sắc màu.

3. Chợ phiên Bắc Hà – Lào Cai

Đến với Lào Cai, du khách đừng quên ghé thăm chợ phiên Bắc Hà – phiên chợ được tạp chí du lịch Serendib đánh giá là một trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Phiên chợ bắt đầu từ 2 giờ sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, là nơi lý tưởng để tìm hiểu về đời sống sinh hoạt và khám phá vẻ nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc Tây Bắc.  Trước đây, chợ phiên họp trên một quả đồi thoai thoải, sau này chợ được xây mới trên nền bê tông và chia ra từng khu vực bán hàng, nhưng việc giao thương vẫn giữ được nhiều nét truyền thống vốn có. Chợ Bắc Hà được chia thành những khu chợ nhỏ như: chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc. Mỗi khu chợ đều phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương. Du khách có thể tìm thấy mọi vật dụng cần thiết hàng ngày như: cày, cuốc, xẻng, dao… hay đồ trang sức, quần áo dệt thổ cẩm với màu sắc sặc sỡ được làm thủ công.

Đến Bắc Hà, ngay từ khi mặt trời còn lững thững phía chân trời, tờ mờ sáng, bà con khắp bản cao đã váy áo xúng xính, sắc màu, nô nức đổ về khu vực trung tâm để họp chợ phiên. Trên lưng người nào cũng gùi những món hàng bán dịp tết mang về phiên chợ, nào là những bó rau cải tươi rói, cho đến những bó hương trầm ngào ngạt, những can rượu Bản Phố , những bộ váy thổ cẩm cầu kỳ đặc sắc và đâu đó là những con trâu, con lợn được đồng bào người dân tộc đem bán tạo nên một bầu không khí vô cùng vui tươi.  Một trong những khu vực ấn tượng nhất của phiên chợ Bắc Hà chính là nơi bán gia súc, gia cầm như trâu bò, lợn gà, những chú cún nổi tiếng trung thành và hàng trăm con ngựa. Cả người dân tộc địa phương và lái buôn, cả khách du lịch cũng tới đây trao đổi mua bán rất đông đúc. Và tất nhiên, vì là chợ vùng cao phía Bắc nên sẽ luôn có những câu hò hẹn, những lời giao duyên của trai gái khi tới chợ phiên đó.  Bên cạnh đó, du khách đừng quên thưởng thức thắng cố Bắc Hà. Đây là đặc sản vô cùng nổi tiếng, nằm trong khu ẩm thực rất rộng, thu hút không chỉ người bản địa mà cả những du khách trong và ngoài nước bởi mang đậm phong vị nguyên bản không đâu sánh bằng.

4. Chợ phiên Cán Cấu – Lào Cai

Chợ phiên Cán Cấu là “chợ trâu” lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc. Nếu như chợ phiên Bắc Hà là chợ ngựa thì chợ phiên Cán Cấu được coi là “chợ trâu” lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc. Mỗi phiên chợ có hàng trăm con trâu đến từ các vùng miền dân tộc khác nhau như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Yên Bái,… Chợ phiên này nằm ở Si Ma Cai, diễn ra vào thứ 7 hàng tuần, chợ tập trung những người dân tộc Mông Hoa, người Giáy. Cách chợ phiên Bắc Hà không xa nhưng chợ Cán Cẩu vẫn đông đúc, sôi nổi và là một trong những phiên chợ hiếm hoi còn giữ được nét đặc trưng hoang sơ vốn có của người dân tộc vùng cao Mọi thứ đều được bày bán ở chợ hết sức tự nhiên và đa dạng sản phẩm, từ đồ nông sản (mật ong, mía, ngô..), thổ cẩm (váy, áo…) đến các loại gia súc. Trong đó, mặt hàng nổi bật nhất là trâu, chủ yếu là trâu đực nên rất hung hăng, du khách phải hết sức dè chừng. Chợ có cả một khu chợ để bán đồ ăn (thịt lợn bản, lợn đen…). Nếu có dịp, du khách hãy nếm thử món phở mang hương vị đặc trưng của vùng cao, không có chất phụ gia với bánh phở mềm và không dai.

5. Chợ phiên Tả Sìn Thàng – Điện Biên

Chợ phiên Tả Sìn Thàng nằm ở xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Ngôi chợ nhỏ, họp ngay ở thung lũng trung tâm của xã giữa bốn bề núi dựng, sương trắng giăng bồng bềnh. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đầy đủ sắc màu Tây Bắc của một phiên chợ vùng cao giữa bốn bề là núi đá chênh vênh. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, tụ họp mà còn là ngày hội của người dân nơi đây. Chợ phiên Tả Sìn Thàng họp vào ngày Tý và ngày Ngọ hàng tháng theo lịch âm. Sáu ngày người dân nơi đây sẽ họp một phiên, chủ yếu là để giao thương hàng hóa, nông sản của đồng bào các dân tộc thuộc 5 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa.  Chợ Tả Sìn Thàng còn lưu giữ rất nhiều những nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Mông mỗi khi phiên chợ được họp, với trang phục rực rỡ, các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, cá suối, lợn, gà… Các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các lọai chỉ màu, các chất phẩm nhuộm và vô vàn các sản phẩm làm từ vải thổ cẩm sặc sỡ mà bạn có thể mua về làm quà tặng người thân bạn bè khi dạo bước trong phiên chợ này.  Không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hóa của các dân tộc trong vùng, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là nơi gặp gỡ, giao duyên của những cô gái, chàng trai người Mông có cơ hội được chuyện trò cười nói với nhau. Với người Tây Bắc, đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời nên không ai vội vã. Họ mặc những trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất xuống chợ.

6. Chợ phiên Dào San – Lai Châu

Dào San – một phiên chợ trên đỉnh trời, sở dĩ nói thế bởi chợ được họp trên độ cao 1900m của đỉnh Chùng Sủa Dằn, xã Dào San, chợ là nơi tập trung mua bán của 8 xã vùng cao của huyện Phong Thổ, Lai Châu. Chợ cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, du khách hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi ô tô con tới đây. Đây là một trong những chợ vùng cao phía Bắc lớn và đông đúc nhất.  Chợ Dào San bày bán rất nhiều các món hàng thổ cẩm của người dân tộc thiểu số nơi này và các món ăn, hàng khô như thịt trâu gác bếp, ô mai,.. Không chỉ là một phiên chợ thông thường, Dào San còn là một kho tài sản tinh thần của cả vùng biên viễn. Ở trên cái chợ phiên treo lơ lửng giữa mây xanh ấy, người ta đi chợ đâu chỉ để bán mua mà còn để tìm cho mình một niềm vui mới, một người bạn mới và trên hết là để tìm lại được chính mình.  Ðã thành lệ, cứ đến chiều ngày thứ bảy là những người phụ nữ của huyện vùng cao Phong Thổ lại xếp gọn mọi lo toan vào chái bếp, thảnh thơi ngồi bên nhau chuẩn bị váy áo cho phiên chợ sáng mai. Dẫu chỉ mua dăm ba cuộn chỉ hay chút ít thực phẩm nhưng váy áo đi chợ nhất định phải thật đẹp bởi đi chợ còn là đi chơi, đi gặp bạn.


Leave a Reply

Your email address will not be published.




Enter Captcha Here :

Login